Windows 11 đang là hệ điều hành được nhiều người sử dụng, nhưng không vì thế mà nó hoàn hảo. Dưới đây là 6 vấn đề nhỏ nhưng gây khó chịu mà Microsoft cần lưu tâm nếu muốn Windows 11 trở thành nền tảng thật sự trau chuốt và hoàn thiện.
1. Cách Windows tạo thư mục người dùng cục bộ
Khi thiết lập PC Windows 11 và đăng nhập bằng tài khoản Microsoft, hệ thống sẽ tự động tạo thư mục người dùng cục bộ (local user directory) dựa trên 5 ký tự đầu tiên của địa chỉ email, thay vì tên thật. Ví dụ: nếu email là [email protected], thư mục sẽ là C:Usersiamth.
Điều này gây bất tiện cho những ai thường xuyên truy cập thư mục người dùng bằng Terminal hoặc File Explorer. Sau khi tạo xong, thư mục này không thể đổi tên, trừ khi người dùng bỏ qua đăng nhập tài khoản Microsoft trong quá trình cài đặt và tự điền tên người dùng thủ công.
Microsoft nên cho phép đặt tên thư mục tùy chọn, hoặc tự động dùng tên thật đã liên kết với tài khoản Microsoft – như cách macOS đang làm.
2. Thiếu hoạt ảnh chuyển đổi giữa các thumbnail trên Taskbar
Windows 11 đã bổ sung hoạt ảnh khi rê chuột vào ứng dụng đầu tiên trên Taskbar, nhưng khi chuyển giữa các ứng dụng đang mở, không có hiệu ứng chuyển tiếp mượt mà như trên Windows 7 hay Windows 10. Điều này khiến trải nghiệm sử dụng trở nên “thô” và thiếu tinh tế, dù chỉ là chi tiết nhỏ.
3. Chế độ tối (Dark mode) vừa xấu vừa chưa hoàn thiện
Chế độ tối trên Windows 11 vẫn chưa được áp dụng triệt để, dù đã tồn tại gần một thập kỷ. Người dùng sẽ thường xuyên thấy các giao diện sáng lẫn lộn trong hệ thống: từ File Explorer, hộp thoại sao chép, thuộc tính tập tin, cho đến Registry Editor, cửa sổ Run,…
Điều đáng nói là nhiều ứng dụng bên thứ ba đã hỗ trợ dark mode hoàn hảo, trong khi chính phần mềm của Microsoft lại không. Với những người nhạy cảm với ánh sáng, việc này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thị giác, nhất là khi sử dụng máy tính vào ban đêm.
4. Hoạt ảnh Task View và chuyển desktop rất giật
Trừ khi dùng máy có card đồ họa rời, việc mở Task View thường xuyên rơi vào tình trạng giật lag, chỉ đạt khoảng 15 FPS. Một số thiết bị như Surface Laptop 7 cũng không tránh khỏi hiện tượng này.
Tệ hơn, khi chuyển đổi giữa các desktop ảo (Virtual Desktop), giao diện Taskbar có thể biến mất bất chợt, trở nên trong suốt, và các hiệu ứng chuyển tiếp trông rất cẩu thả – khiến người dùng có cảm giác đây vẫn chỉ là tính năng thử nghiệm.
5. Chuyển đổi giữa Start và Search không mượt
Trên Windows 11, Start menu và ô tìm kiếm (Search) là hai giao diện tách biệt. Khi nhấn vào ô tìm kiếm trong Start, người dùng sẽ bị chuyển ngay sang cửa sổ tìm kiếm riêng, không hề có hiệu ứng chuyển tiếp để nối liền trải nghiệm.
Hình dạng và kích thước giữa Start và Search cũng khác nhau, càng khiến cho chuyển đổi này trở nên thiếu tự nhiên. Trên Windows 10 hay Windows 8, các thành phần này được gắn kết mượt mà hơn nhiều.
Giải pháp lý tưởng là tích hợp tính năng tìm kiếm trở lại Start menu, thay vì duy trì hai giao diện rời rạc.
6. Quảng cáo ngớ ngẩn và vô lý
Việc tích hợp quảng cáo vào hệ điều hành đã trở thành điều khó tránh trong thế giới công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, Windows 11 lại hiển thị những quảng cáo vô lý với mọi đối tượng.
Ngay cả khi đã đăng ký Microsoft 365, dùng Edge làm trình duyệt chính, chơi Xbox Game Pass và đồng bộ OneDrive, hệ điều hành vẫn liên tục hiển thị quảng cáo mời gọi đăng ký hoặc sử dụng chính những dịch vụ đó – từ thông báo đến màn hình khóa.
Hệ thống hoàn toàn không nhận diện được người dùng đã sử dụng các dịch vụ gì, dẫn đến trải nghiệm bị “spam” một cách không cần thiết. Microsoft nên cải thiện khả năng cá nhân hóa quảng cáo, hoặc ít nhất dừng quảng cáo các dịch vụ mà người dùng đã đăng ký.
Tổng kết
Windows 11 đã có những bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa trải nghiệm PC, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề về thiết kế và hiệu năng khiến hệ điều hành này chưa thực sự đạt độ mượt mà như kỳ vọng.
Từ những hiệu ứng chưa hoàn thiện, chế độ tối thiếu đồng bộ, cho đến trải nghiệm Start/Search rời rạc và quảng cáo gây khó chịu, Microsoft cần ưu tiên giải quyết các điểm yếu này nếu muốn Windows 11 được đánh giá là nền tảng cao cấp và hoàn thiện, đủ để thay thế Windows 10.