Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump đã cấm các công ty Mỹ hợp tác với Huawei, khiến hãng này mất quyền truy cập vào Google Play Store và các dịch vụ Google. Giờ đây, với việc ông Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều nguồn tin cho biết các hãng smartphone Trung Quốc đang chuẩn bị phương án dự phòng nếu họ rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Huawei từ lâu đã phát triển nền tảng riêng của mình mang tên HarmonyOS. Theo tin đồn, các thương hiệu khác như Xiaomi, Oppo, vivo và OnePlus (cùng với Huawei) hiện đang cân nhắc xây dựng một phiên bản Android độc lập, không tích hợp dịch vụ Google.
HyperOS 3 – phiên bản hệ điều hành sắp tới của Xiaomi – được cho là sẽ đặt nền móng cho hướng đi mới này. Tuy chưa rõ các thương hiệu sẽ hợp tác chặt chẽ tới mức nào hay vai trò của Huawei sẽ ra sao, nhưng nếu dự án này thành hình, nó có thể tạo ra một hệ sinh thái Android song song không phụ thuộc vào Google – điều từng được coi là bất khả thi đối với phần lớn thị trường toàn cầu.
Huawei đã tiến xa tới mức loại bỏ hoàn toàn khả năng tương thích với ứng dụng Android trên nền tảng của mình. Câu hỏi đặt ra là liệu Xiaomi và các hãng còn lại có đi theo hướng này hay không – và liệu họ có chấp nhận sử dụng các công nghệ riêng của Huawei như trình biên dịch Ark Compiler, bản đồ Petal Maps, v.v.?
Theo số liệu mới nhất, Xiaomi hiện là nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Trung Quốc, theo sau là Huawei, rồi đến Oppo và vivo. Chỉ riêng bốn công ty này đã chiếm tới hai phần ba số smartphone xuất xưởng tại thị trường Trung Quốc trong quý I năm nay. Dù Huawei đã mất vị thế toàn cầu, thì Xiaomi, vivo và Oppo vẫn nằm trong Top 5 thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới. Điều đó có nghĩa là nếu họ bắt đầu tung ra những chiếc điện thoại không có dịch vụ Google, thì tác động đến thị trường toàn cầu sẽ không hề nhỏ.