Sự xuất hiện của Samsung Galaxy S25 Edge không hoàn toàn là một bất ngờ. Dù chính thức ra mắt trong tháng này, thiết bị đã được “nhá hàng” từ tận tháng 1, ở đoạn cuối của sự kiện Unpacked giới thiệu dòng Galaxy S25.
Chiếc điện thoại chỉ xuất hiện như một “after credit” của Marvel. Một số người còn so sánh khoảnh khắc ấy với câu nói “One more thing…” mang tính biểu tượng của Apple, điều đã lâu không còn xuất hiện. Toàn bộ sự kiện mang lại cảm giác hoài niệm. Và có lẽ chính cảm giác hoài niệm đó đã khiến nhiều người tự hỏi: thương hiệu “Edge” thật sự từng đại diện cho điều gì – và giờ nó đã ra sao.
Với thế hệ người dùng mới, có lẽ không nhiều người nhớ rằng “Edge” từng là thứ gì đó hoàn toàn khác – không chỉ đơn thuần là “phiên bản siêu mỏng của S25 Ultra”.
Một chút lịch sử: Samsung Galaxy Note Edge
Tương tự Galaxy S25 Edge hiện tại, chiếc Samsung Galaxy Note Edge đầu tiên cũng xuất hiện đầy bất ngờ tại một sự kiện Unpacked vào tháng 9 năm 2014.
Sự kiện ra mắt khi đó thực chất xoay quanh Galaxy Note 4. Mặc dù trước đó từng xuất hiện vài tin đồn mờ nhạt rằng Samsung đang thử nghiệm màn hình cong, không ai ngờ hãng sẽ tung ra một thiết bị như Galaxy Note Edge – về cơ bản là một chiếc Note 4, nhưng phần cạnh bên phải của màn hình lại uốn cong sâu vào khung máy. Đến giờ vẫn khó tin rằng Samsung đã giữ bí mật ấy kỹ đến vậy.
Đây chính là lần đầu tiên người dùng được chứng kiến một thiết kế smartphone mang dáng dấp tương lai, với màn hình thật sự cong tràn ra cạnh bên. Mặc dù, trong bối cảnh hiện tại, có lẽ nên gọi đó là “tương lai kiểu cũ” – bởi thị trường dường như đã quay lưng với những màn hình cong. Samsung đã từ bỏ hướng đi này, còn những hãng vẫn tiếp tục sử dụng thì đều làm phần cong cực kỳ nhẹ, chỉ gói gọn ở mép màn hình.
Sau Note Edge, mọi chiếc điện thoại màn hình cong dường như chỉ để tăng tính thẩm mỹ, chứ không thật sự mang lại cải tiến trong trải nghiệm người dùng.
Điều khiến Note Edge khác biệt là phần màn hình cong của nó rất rõ rệt, uốn sâu tới mức đủ chỗ để tích hợp cả một thanh tác vụ phụ. Đây là thời điểm mà người dùng đã được trải nghiệm thứ giống như taskbar – từ rất lâu trước khi điện thoại gập trở thành xu hướng. Một số người thậm chí coi đây là lần đầu tiên họ thật sự cảm thấy smartphone có thể làm được đa nhiệm. Vì từ thanh công cụ ở cạnh bên đó, người dùng có thể nhanh chóng mở bất kỳ ứng dụng nào – không cần phải truy cập trình chuyển đổi ứng dụng hay quay lại màn hình chính.
Phần cạnh cong đó thậm chí còn có thể chứa các widget đặc biệt dạng dải ngang, như thước đo, dòng tweet nổi bật, thông báo email hay thông tin chứng khoán.
Đúng là ngày nay edge panel vẫn còn tồn tại – vẫn có mặt trên các điện thoại Samsung, và cũng đã được một số hãng khác sao chép. Nó thường chỉ là một thanh nhỏ trong suốt ở mép màn hình, có thể “kéo” vào để mở ra ngăn chứa ứng dụng hoặc widget.
Tuy nhiên, trải nghiệm này không còn giống như xưa. Hãy tưởng tượng nếu những widget đó luôn hiện diện cố định ở cạnh bên màn hình, thay vì phải gọi ra mỗi lần muốn dùng – đó chính là điều Galaxy Note Edge đã làm được.
Thay vì tiếp tục phát triển hướng tiếp cận đậm chất “công nghệ” ấy, Samsung sau đó lại lựa chọn đi theo hướng phổ thông hơn – với chiếc Galaxy S6 Edge màn hình cong hai bên, nhưng chỉ cong nhẹ và không còn chỗ cho các widget chuyên dụng nữa. Lúc này, màn hình cong chỉ đơn thuần để tăng yếu tố thẩm mỹ, chứ không phục vụ nhiều cho trải nghiệm người dùng.
Vì sao người dùng không thích màn hình cong Edge?
Không thể phủ nhận rằng màn hình Edge nhìn rất đẹp mắt, điều này hầu như ai cũng đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở tính thực dụng – và chính điều đó đã khiến thiết kế này dần thất sủng.
Thứ nhất, độ cong lớn làm ảnh hưởng đến nội dung hiển thị. Không ai muốn xem video bị uốn cong về phía cạnh máy, hoặc chơi game mà hình ảnh bị méo mó ở hai bên.
Samsung sau đó đã dịch phần cong sát hơn về phía viền máy, với mục tiêu giảm thiểu sự ảnh hưởng đến nội dung chính. Nhưng điều đó lại dẫn đến tình trạng biến dạng màu sắc ở mép màn hình, bởi vì lúc này người dùng đang nhìn các điểm ảnh OLED từ một góc nghiêng – do phần cong tạo nên.
Chưa kể, việc tìm và dán miếng bảo vệ màn hình phù hợp cho các máy cong như vậy cũng không hề dễ dàng.
Người dùng liên tục phàn nàn, và Samsung cũng dần giảm độ cong qua từng thế hệ, cho đến khi Galaxy S24 Ultra hoàn toàn không còn màn hình cong nữa.
“Edge” giờ đã bước sang chương mới
Khi nghe đến cái tên Galaxy S25 Edge, không ít người từng nghĩ: “Khoan đã, chẳng lẽ Samsung sắp hồi sinh một phiên bản màn hình cong riêng cho dân mê công nghệ à?” Nhưng đó lại là một chiếc máy siêu mỏng nhưng vẫn mang trong mình các công nghệ hàng đầu.
Có thể thấy đây là một bước đi nhằm tìm ra xu hướng mới trên thị trường smartphone đã bão hoà thiết kế sau smartphone màn hình gập.
Nếu Samsung áp dụng lại cách làm với thương hiệu Edge trước đây, thì có thể sau này mọi smartphone hàng đầu của hãng đều sẽ có độ mỏng ấn tượng dù không có “Edge” trong tên gọi. Tương tư như các flagship Galaxy ngày đó có màn hình cong dù không còn mang tên Edge. Điều này có thể sẽ tạo nên một xu hướng mới trên thị trường như dòng Edge đã làm được trước đó.
Và lần này, Samsung không đơn độc, chính Apple cũng được cho là sẽ ra mắt iPhone “Air” siêu mỏng nhằm có được một “miếng bánh” trong cùng lĩnh vực. Các smartphone siêu mỏng từ hai gã khổng lồ này có thể là phép thử để thị trường smartphone bước sang một chương mới, nơi mà công nghệ pin tương lai sẽ góp phần giúp điện thoại sử dụng được lâu dài mà không làm tăng độ dày.