Còn nhớ hồi mua máy tính được tặng phần mềm “xịn” miễn phí chứ? Hóa ra nhiều hãng đã lách luật bằng chiêu trò trong BIOS

Bạn có thể từng để ý rằng khi mua một chiếc máy tính mới, một số phần mềm đã được cài đặt sẵn. Đôi khi, khi bạn mở những phần mềm này, chúng tự động kích hoạt và cho phép sử dụng đầy đủ tính năng mà không cần trả thêm phí. Lý do là vì nhà sản xuất máy tính đó có giấy phép chính thức với hãng phần mềm, và việc người dùng được “tặng” bản đầy đủ của phần mềm dùng thử là một chiêu tiếp thị nhằm tăng sức hút cho sản phẩm.

Tuy nhiên, theo kỹ sư Raymond Chen của Microsoft, trong những năm đầu của hình thức phân phối này, không ít nhà sản xuất PC đã tìm cách “lách luật” để đánh lừa cơ chế kích hoạt.

Vào đầu những năm 1990, không hiếm để các PC được cài sẵn phần mềm chỉ hoạt động đầy đủ nếu chạy trên đúng loại máy từ nhà sản xuất được cấp phép. Ví dụ, nếu mua một chiếc PC của Fabrikam, người dùng sẽ thấy phần mềm LitWare Word Processor đã được cài sẵn. Dù về mặt kỹ thuật đây chỉ là phiên bản dùng thử, nhưng thực chất phần mềm này có một “bí mật”: nếu phát hiện đang chạy trên máy của một hãng được cấp phép, nó sẽ tự động mở khóa thành bản đầy đủ.

Cách kiểm tra rất đơn giản: LitWare sẽ quét BIOS để tìm một chuỗi bản quyền cụ thể. Với máy của Fabrikam – vốn là đối tác được cấp phép – phần mềm sẽ tìm chuỗi “Copyright Fabrikam Computer” trong BIOS. Nếu phát hiện ra chuỗi này, LitWare sẽ kích hoạt đầy đủ các tính năng vốn bị khóa trong bản trial.

Nhưng nhà sản xuất máy tính Contoso, dù không có giấy phép từ LitWare, vẫn muốn “chơi chiêu” để người dùng có được bản đầy đủ mà không mất thêm phí bản quyền. Giải pháp cực kỳ tinh vi: họ giữ nguyên chuỗi bản quyền của mình là “Copyright Contoso”, và thêm vào một dòng trông vô hại nhưng rất hiệu quả: “Not Copyright Fabrikam Computer”.

Kết quả là phần mềm khi quét BIOS để tìm “Copyright Fabrikam Computer” đã vô tình “bắt được” đoạn chữ đó nằm gọn bên trong cụm “Not Copyright Fabrikam Computer”, và hiểu nhầm rằng đây là máy chính hãng, từ đó mở khóa toàn bộ tính năng mà không hay biết mình vừa bị đánh lừa.

“Contoso”, “LitWare” và “Fabrikam” không phải là những tên thật. Đây là các tên mẫu (placeholder) mà Microsoft thường dùng trong tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, ví dụ minh hoạ, bản demo sản phẩm và bài viết nội bộ. Chúng tương đương với kiểu “Nguyễn Văn A” trong ví dụ pháp lý ở Việt Nam.

Đây là một chiêu trò tinh vi, tận dụng đúng cách phần mềm kiểm tra chuỗi ký tự, và cũng cho thấy một thời quá khứ hỗn loạn khi phần mềm bản quyền chưa được kiểm soát chặt chẽ như ngày nay.

Dù sau này, những biện pháp kiểm tra bản quyền chặt chẽ và hiện đại hơn đã được áp dụng để tránh tình trạng này, nhưng câu chuyện trên vẫn là một minh chứng thú vị cho thấy các hãng sản xuất PC sẵn sàng dùng đến những chiêu trò lắt léo ra sao để phân phối phần mềm mà họ không thực sự có quyền cấp phép.

Như người ta vẫn nói: chuyện cũ thì nên để ở lại quá khứ. Nhưng đôi khi, quá khứ ấy lại hé lộ những góc khuất khá tinh vi trong lịch sử ngành công nghệ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *