Apple chuẩn bị “đại tu” chiến lược sản xuất toàn cầu: chuyển toàn bộ lắp ráp iPhone cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ vào cuối năm 2026

Apple đang lên kế hoạch cải tổ mạnh mẽ chiến lược sản xuất toàn cầu, với mục tiêu chuyển toàn bộ hoạt động lắp ráp iPhone dành cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc và sang Ấn Độ trước cuối năm 2026. Theo nguồn tin từ Financial Times, đây là phản ứng trực tiếp trước căng thẳng thương mại leo thang và mức thuế quan cao ngất do chính quyền Trump áp đặt lên hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Trong gần hai thập kỷ qua, Apple đã dựa vào Trung Quốc như trụ cột sản xuất iPhone toàn cầu, tận dụng cơ sở hạ tầng sản xuất khổng lồ và lực lượng lao động tay nghề cao của nước này để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Khoảng 80% trong số hơn 60 triệu chiếc iPhone bán ra mỗi năm tại Mỹ hiện đang được lắp ráp tại Trung Quốc, chủ yếu thông qua các đối tác như Foxconn.

Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc đã buộc Apple phải đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa sản xuất.

Ấn Độ trở thành tâm điểm mới trong chiến lược sản xuất của Apple

Trong vài năm gần đây, Apple đã dần mở rộng hiện diện sản xuất tại Ấn Độ, hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Tata Electronics và Foxconn. Apple bắt đầu lắp ráp iPhone tại Ấn Độ từ năm 2017, ban đầu chỉ tập trung vào các mẫu giá rẻ, rồi mở rộng sang các dòng flagship vào năm 2023.

Để đạt mục tiêu mới, Apple cần tăng gấp đôi sản lượng iPhone hàng năm tại Ấn Độ, từ khoảng 40 triệu máy lên hơn 80 triệu máy, đồng nghĩa với việc phải đầu tư lớn và mở rộng mạnh mẽ các cơ sở sản xuất địa phương.

Sự cấp bách càng lộ rõ khi Apple, dự đoán trước tác động của thuế, đã vận chuyển tới 1,5 triệu chiếc iPhone lắp ráp tại Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 4, nhằm né mức thuế mới. Hãng thậm chí vận động chính quyền sân bay Ấn Độ đẩy nhanh thủ tục thông quan.

Dù vậy, Financial Times nhận xét Apple vẫn đối mặt với một số khó khăn:

Chi phí sản xuất tại Ấn Độ cao hơn từ 5% đến 10% so với Trung Quốc, do thuế nhập khẩu linh kiện và việc phải nhập khẩu nhiều bộ phận bán thành phẩm từ Trung Quốc. Chất lượng sản xuất tại các nhà máy Ấn Độ vẫn chưa đạt mức chuẩn nghiêm ngặt của Apple, với tỷ lệ thành phẩm đạt chuẩn (yield rate) thấp hơn so với các nhà máy Trung Quốc. Chuỗi cung ứng linh kiện chủ chốt vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, ít nhất là trong tương lai gần.

Việc chuyển hoạt động lắp ráp iPhone dành cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ được đánh giá là một trong những sự tái cấu trúc sản xuất lớn nhất trong lịch sử Apple. Đây không chỉ là câu chuyện về chi phí, mà còn là nỗ lực chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị và đảm bảo khả năng cung ứng ổn định trong tương lai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *