Có một thời, nếu dùng Android mà không root máy, bạn gần như bị xem là “người dùng phổ thông”. Còn nếu bạn từng cài SuperSU, từng chỉnh file build.prop, từng biết đến CyanogenMod, thì xin chúc mừng: bạn thuộc về một thế hệ “vọc thủ” Android từng hoạt động rất sôi nổi.
Nhưng năm 2025, root Android không còn là chủ đề khiến diễn đàn sôi động, không còn là kỹ năng mà người ta khoe nhau sau giờ học, giờ làm. Không phải vì nó là thứ gì đó phạm pháp, mà vì… gần như chẳng còn ai quan tâm.
Một thời hoàng kim: khi root là chiếc chìa khóa quan trọng
Giai đoạn từ năm 2010 đến 2015 là thời kỳ hoàng kim của root Android. Khi phần mềm còn nhiều giới hạn, phần cứng thì yếu ớt và các bản cập nhật lâu dài hầu như không tồn tại, root mở ra cánh cửa cho những ai muốn cải thiện thiết bị của mình.
Nhiều người root chỉ để gỡ bỏ các ứng dụng rác do nhà sản xuất và nhà mạng cài sẵn. Với những chiếc smartphone phổ thông như Galaxy Young – từng được mệnh danh là điện thoại quốc dân – việc tiết kiệm từng MB bộ nhớ là chuyện sống còn. Gỡ một app không dùng đến có thể giúp máy đỡ lag rõ rệt.

Cũng nhờ root, người dùng có thể can thiệp sâu vào hệ thống để tăng hiệu năng, chỉnh CPU, tắt các dịch vụ chạy nền không cần thiết, hay cài đặt kernel tùy biến. Những người đam mê cá nhân hóa có thể thay đổi giao diện, thêm tính năng như quay màn hình, ghi âm cuộc gọi, điều khiển bằng cử chỉ, thậm chí mô phỏng giao diện của Android mới mà không cần chờ cập nhật.
Còn nếu muốn “lên đời” hẳn, mở khóa bootloader và cài ROM cook là giải pháp. Khi các hãng gần như không cập nhật Android mới cho thiết bị sau một hoặc hai năm, việc cài CyanogenMod, LineageOS hay các bản tùy biến khác là cách duy nhất để được trải nghiệm Android mới hơn, nhẹ hơn và mượt hơn.
Root không đơn thuần là kỹ thuật, nó từng là một cách để chứng minh chúng ta làm chủ thiết bị.
Khi Android đã trưởng thành, root dần trở nên lỗi thời
Khoảng từ 2017 trở đi, Android đã thay đổi mạnh mẽ. Phiên bản hệ điều hành ngày càng đầy đủ và tối ưu hơn. Những tính năng từng chỉ có qua root như chế độ nền tối, kiểm soát quyền riêng tư, quản lý thông báo, giới hạn app chạy nền đã có sẵn trong Android gốc. Các ứng dụng cài sẵn cũng dễ dàng xoá bỏ hơn.
Thêm vào đó, các hãng điện thoại cũng bắt đầu cam kết hỗ trợ phần mềm lâu dài hơn. Samsung hiện cung cấp đến 7 năm cập nhật Android cho nhiều thiết bị cao cấp, kể cả tầm trung cũng được hỗ trợ lâu dài hơn rất nhiều. OnePlus, Xiaomi, Oppo cũng không còn bỏ rơi máy sau một năm như trước. Khi người dùng không còn cần root để cài ROM mới, sức hấp dẫn của root giảm hẳn.

Và điều quan trọng nhất: root ngày càng gặp nhiều rào cản. Việc mở khóa bootloader không còn dễ dàng như trước, thậm chí nhiều thiết bị khóa luôn bootloader vĩnh viễn. Hệ thống bảo mật của Android cũng ngày càng phát triển, khiến việc root đòi hỏi kiến thức và công cụ phức tạp hơn.
Tệ hơn, root còn trở thành rào cản với người dùng phổ thông vì nhiều ứng dụng – đặc biệt là ngân hàng, ví điện tử và dịch vụ doanh nghiệp – sẽ từ chối hoạt động nếu phát hiện thiết bị đã root. Rủi ro bảo mật, mất dữ liệu và bị khóa tài khoản khiến người dùng ngày càng dè chừng.
Số liệu biết nói: root Android dần bị lãng quên
Nếu nhìn vào các khảo sát cộng đồng, có thể thấy rõ mức độ quan tâm đến root đã tụt dốc.

Năm 2014, khảo sát trên AndroidPolice ghi nhận 63% người dùng có root thiết bị chính.

Nhưng đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm rõ rệt chỉ còn 28%.

Một khảo sát khác vào cuối năm 2024 trên AndroidAuthority ghi nhận tới 73% người dùng không root, không mở bootloader và không cài ROM tùy biến.
Ngày nay, bạn vẫn có thể tìm thấy những nhóm nhỏ trên Telegram hay X.DA Developers tiếp tục phát triển kernel, chia sẻ bản mod, thậm chí là ROM tùy biến cho những thiết bị ít ai ngờ tới. Nhưng đó là những nhóm thiểu số – đam mê âm thầm, kiên trì như những người chơi đĩa than trong kỷ nguyên Spotify.
Không ai tuyên bố root đã chết, nhưng khi Android đã đủ tốt, khi người dùng không còn cảm thấy cần thiết phải “vọc máy” để dùng được như ý, root cũng dần mất đi vị thế huy hoàng ngày nào.